Như thế nào là Chụp ảnh đúng sáng?

Chụp ảnh đúng sáng là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là những bạn mới tập chụp ảnh. Ánh sáng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của một bức ảnh, chụp sai sáng có thể khiến bức ảnh phải bỏ đi. Thử tưởng tượng một tấm ảnh mà khuôn mặt tối thui, hay chói loá thì còn gì tệ hơn phải không nào? Vì vậy, chụp ảnh đúng sáng là một trong những điều kiện tiên quyết mà người cầm máy phải làm được.

Chụp ảnh đúng sáng là kỹ thuật kiểm soát lượng ánh sáng được cảm biến máy ảnh hấp thụ. Để chụp được một tấm ảnh thì phải có ánh sáng đi qua ống kính và chiếu vào cảm biến, cảm biến sẽ hấp thụ ánh sáng này để ghi lại thành bức ảnh (quá trình này gọi là “phơi sáng”). Như vậy, ánh sáng thu được sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố: một là lượng ánh sáng đi vào cảm biến, hai là khả năng hấp thụ ánh sáng của cảm biến. Điều này có nghĩa là:

  • Lượng ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều thì ảnh sẽ càng sáng và ngược lại
  • Cùng một lượng ánh sáng đi vào cảm biến, nhưng nếu khả năng hấp thụ ánh sáng càng cao thì ảnh sẽ càng sáng và ngược lại
  • Chúng ta có thể điều khiển được lượng ánh sáng đi vào và khả năng hấp thụ ánh sáng của cảm biến thông qua 3 thông số

chụp ảnh đúng sáng

3 thông số huyền thoại kiểm soát ánh sáng:

  • Khẩu độ: Hiểu nôm na là độ lớn của cánh cửa, nếu cánh cửa mở ra càng lớn thì ánh sáng đi vào càng nhiều, ngược lại nếu cửa mở càng nhỏ thì ánh sáng đi vào càng ít. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh khẩu độ lớn hay nhỏ để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào.
  • Tốc độ: Là tốc độ mở cửa và đóng cửa, nếu bạn mở cửa ra và sau đó đóng vào thật nhanh thì ánh sáng đi vào sẽ ít, ngược lại nếu bạn mở cửa ra và sau đó đóng vào chậm thì ánh sáng đi vào sẽ nhiều. Bạn cũng hoàn toàn điều chỉnh được tốc độ.
  • ISO: Gọi là độ nhạy sáng của cảm biến. Nghĩa là cùng một lượng ánh sáng đi vào, nếu ISO cao (độ nhạy sáng cao) thì cảm biến sẽ hấp thụ được nhiều ánh sáng, ngược lại nếu ISO thấp thì cảm biến sẽ hấp thụ được ít ánh sáng.

chụp ảnh đúng sáng

Kiểm soát khẩu độ, tốc độ, ISO để chụp ảnh đúng sáng:

  • Nếu ảnh của bạn bị tối (nghĩa là thiếu sáng) thì bạn có các tuỳ chọn sau để nâng sáng bức ảnh lên: một là mở lớn khẩu độ, hai là giảm tốc độ, ba là tăng ISO, bạn cũng có thể kết hợp nhiều tuỳ chọn để đạt mục đích của mình.
  • Nếu ảnh của bạn sáng quá (nghĩa là dư sáng) thì bạn cũng có các tuỳ chọn sau để làm ảnh tối đi: một là khép khẩu nhỏ hơn, hai là tăng tốc độ, ba là giảm ISO, bạn cũng có thể kết hợp nhiều tuỳ chọn để làm cho ảnh tối hơn.
  • Nếu ảnh của bạn đã đúng sáng thì xin mời bạn tiếp tục chụp

Một số lưu ý khi điều chỉnh khẩu độ, tốc độ, ISO:

  • Khẩu độ lớn quá (f1.0 – f2.0) có thể khiến DOF quá mỏng
  • Tốc độ chậm quá (dưới 1/125s) có thể khiến bạn bị rung tay khi chụp
  • ISO cao quá có thể khiến ảnh bị noise
  • Cách tốt nhất là bạn nên thực hành nhiều và tìm ra những giới hạn mà bạn không nên vượt qua khi điều chỉnh khẩu độ, tốc độ, ISO. Như vậy bạn sẽ có được sự an toàn khi chụp ảnh

chụp ảnh đúng sáng

Những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu về chụp ảnh đúng sáng, nhưng bạn cũng nên hiểu thêm là “chụp ảnh đúng sáng” không có nghĩa là bạn sẽ có “ánh sáng đẹp”.

Chụp ảnh đúng sáng là chúng ta tuỳ chỉnh khẩu độ, tốc độ, ISO để thu được lượng ánh sáng như ý muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần để có thể chụp được một tấm ảnh có ánh sáng đẹp, còn điều kiện đủ là bạn phải hiểu tường tận về ánh sáng và cách sử dụng ánh sáng trong mọi tình huống chụp. Ánh sáng là yếu tố bên ngoài máy ảnh, có nhiều loại ánh sáng và tính chất khác nhau. Đó có thể là ánh sáng mặt trời trực tiếp, ánh sáng giữa trưa, ánh sáng lúc hoàng hôn, ánh sáng dưới bóng cây, ánh sáng trong nhà, ánh sáng bên cửa sổ, ánh sáng ở quán cafe, ánh sáng trong trung tâm thương mại, ánh sáng gắt, ánh sáng tản, ánh sáng đèn strobe, đèn flash…

Trong thực tế có rất nhiều các loại ánh sáng khác nhau, song song đó cũng có nhiều thiết bị giúp bạn chiều chỉnh ánh sáng, đó có thể là hắt sáng, soft box, dù xuyên, dù phản, beauty dish… Vì vậy, bạn cần phải nghiên cứu và học hỏi một cách bài bản để có thể hiểu được bản chất, tính chất, tác dụng và cách sử dụng từng loại ánh sáng trong các tình huống khác nhau.

Tham gia bình luận:

Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học thử